Trong bầu khí thiêng liêng và chay tịnh của ngày Thứ Tư Lễ Tro tại giáo xứ Thiên Thần, tôi được mời gọi bước vào Mùa Chay – mùa sám hối, quay trở về và làm mới lại chính mình. Nhưng thật bất ngờ, điều đánh động tôi sâu sắc nhất trong Thánh Lễ hôm đó không phải đến từ bài giảng, lời nguyện hay khung cảnh phụng vụ, mà lại đến từ hình ảnh một bé trai ngồi ngay hàng ghế phía trước tôi. Em được người thân dẫn đi lễ, có vẻ như em khá hiếu động, và dường như không thể ngồi yên trong một khoảng thời gian dài. Cứ khoảng năm phút, em lại đứng lên, xoay người một vòng nhìn quanh rồi lại ngồi hoặc quỳ xuống. Điều đó đã mang lại cho tôi một cái nhìn mới về chính bản thân mình: tôi cần học lại cách chấp nhận, cần quay về với sự khiêm tốn và bắt đầu hành trình hoán cải từ những điều rất nhỏ bé, rất đời thường.
Ban đầu, tôi cảm thấy khó chịu và bị chia trí. Tôi cảm thấy mình bị xao động, không thể tập trung cho Thánh Lễ. Tâm trí tôi không khỏi trách móc: Tại sao người thân lại để bé như vậy? Sao không nhắc nhở em đứng yên? Dường như tôi không thể chấp nhận sự “khác thường” này, và sự không chấp nhận ấy nhanh chóng dẫn tôi đến sự mất kiên nhẫn, khó chịu, và một tâm trạng hoàn toàn không thoải mái khi đứng trước Chúa trong giờ phút linh thiêng này.
Thế nhưng, khi cha chủ tế giảng về ý nghĩa của Mùa Chay – là thời gian để quay lại, để nhìn vào chính mình và hoán cải – tôi chợt giật mình. Đứa trẻ kia, với dáng vẻ tự nhiên và thoải mái, cứ xoay người nhìn quanh như một điều rất đỗi bình thường. Còn tôi, một người lớn, khi được mời gọi nhìn lại chính mình thì lại khó khăn, bối rối, ngại ngần. Tôi nhận ra sự xét đoán và cả “men Pharisêu” vẫn đang âm ỉ dậy lên trong lòng tôi. Tôi thấy mình dễ dàng khó chịu với người khác, nhưng lại dễ dàng bỏ qua chính sự chai đá trong tâm hồn mình.
Tôi lại nhìn sang người phụ nữ ngồi bên cạnh bé – có lẽ là mẹ em. Khuôn mặt chị toát lên sự bình tâm lạ kỳ. Dường như chị đã quen với những hành động bất thường của con. Mỗi lần bé đứng lên xoay người, chị chỉ nhẹ nhàng đặt tay lên đùi con, như một cách để nhắc nhở dịu dàng, không ép buộc. Tôi không thấy chị cáu gắt hay ngượng ngùng, mà là một sự chấp nhận đầy yêu thương và kiên nhẫn. Lúc ấy, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Chị – một người mẹ có thể đã trải qua bao nhiêu tháng ngày đau khổ để học cách chấp nhận căn bệnh quái ác của con mình, còn tôi – một người xa lạ, thậm chí không biết bé là ai – lại phản ứng đầy phán xét.
Nhìn thấy sự âm thầm chấp nhận của người mẹ ấy, tôi chợt nghĩ đến một Đấng khác cũng đã âm thầm đón lấy đau khổ không phải cho chính mình, mà vì tình yêu dành cho nhân loại. Tôi hướng ánh mắt về phía Thánh Giá, nơi treo Đức Giêsu Kitô. Người đã đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu lúc mà nhân tính của Ngài đã phải chiến đấu rất mãnh liệt trước cái chết và kêu lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39). Tôi đã rất xúc động. Tôi nhận ra một Thiên Chúa cũng đã phải đi qua đau khổ bằng sự vâng phục và chấp nhận.
Lúc ấy, tôi thầm tạ ơn Chúa. Tôi nhận ra rằng, đứa bé kia không phải là nguyên nhân khiến tôi chia trí trong Thánh Lễ. Trái lại, em chính là món quà Chúa gửi đến để dạy tôi bài học về sự chấp nhận và hoán cải. Tôi hiểu rằng, hoán cải không bắt đầu từ những điều lớn lao, nhưng từ chính thái độ nhỏ bé mỗi ngày: từ việc ngưng xét đoán, từ việc biết kiên nhẫn, từ việc học nhìn người khác với đôi mắt cảm thông thay vì phán xét.
Mùa Chay mời gọi tôi quay lại – không phải chỉ là quay về với Chúa bằng lời kinh hay việc ăn chay, mà là quay lại với trái tim, để nhận ra đâu là những góc tối tôi chưa đối diện, đâu là những khía cạnh tôi cần được chữa lành và biến đổi. Và đôi khi, những khí cụ Chúa dùng để nói với tôi lại là những điều rất đời thường, như một đứa bé không ngồi yên trong Thánh Lễ.
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì đã dùng những điều con từng xem là phiền toái để dạy con bài học về yêu thương và hoán cải. Xin cho con biết mở lòng, đón nhận mọi sự trong tinh thần bình tâm, để con thật sự trở về với Chúa trong mùa Chay này. Amen!
Tác giả: Petrus Khoa
Cảm ơn Thầy Khoa, bài viết thật ý nghĩa, nhìn lại chính mình và hoán cải thật đơn sơ, đời thường, từ những điều nhỏ bé. Chúc Thầy và mọi người bình an trong tuần Thánh