Tháng 6 vừa qua, tôi bất ngờ nhận được tin đi tông đồ ở miền Tây. Tâm trạng tôi lúc đó thật hỗn loạn. Bao dự định về một kỳ nghỉ hè trọn vẹn chợt tan biến, nhường chỗ cho sự hoang mang và lo lắng. Tôi có quá nhiều dự định cho những ngày nghỉ hè quý báu của tôi. Tôi trở lại Huế, nơi tôi thầm thương và đã tín hứa trở lại cách đây 5 năm. Tôi muốn trở lại bên người bạn thân thiết của tôi, đã sống và cùng chia sẻ một chặng đường với với tôi nhưng giờ đây bạn đã không thể đi được nữa vì tai nạn quái ác. Tôi muốn trở lại với gia đình, cảm nhận tiếng thở của các em, lắng nghe bầu không khí ấm áp gia đình và để biết mọi người vẫn còn đang sống. Tôi muốn gặp lại quá khứ vẫn đang sống trong hiện tại của tôi, gặp lại những người tôi đã làm tổn thương và những người đã yêu thương quan tâm tôi quá nhiều. Tôi muốn rất nhiều nhưng giờ đây, tôi đi tông đồ miền Tây. Tôi biết chia sẻ cùng ai? Tôi nhìn lên Chúa: bỏ lại tất cả, nghẹn lòng và bước cùng Ngài, cùng 6 anh em tôi.
Ở miền Tây, chúng tôi lo lắng nhiều thứ và suy tính đủ điều. Làm thế nào để khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu? Làm thế nào để chúng tôi vừa sống căn tính là Ứng sinh nhưng cũng không để mình bị quá khác biệt giữa môi trường đầy thử thách như thế này? Liệu rằng chúng tôi có đi 6 nhưng về còn 5? Liệu rằng sau tông đồ, tình cảm anh em sẽ rạn nứt và không còn là anh em? … Quá nhiều ưu tư và lo âu! Hành trang chúng tôi mang theo là những kế hoạch “tác chiến”, lời căn dặn “bọc lọt” của các cha, một cuốn Kinh Thánh, cuốn nếp sống ứng sinh, một trái tim khao khát đốt cháy, và lòng phó thác nơi tình thương Chúa.
Công việc hằng ngày của chúng tôi là tất cả các công việc có thể tưởng tượng và nghĩ đến. Chúng tôi bắt đầu ngày mới từ sáng sớm bằng việc đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho các cha, các thầy, anh em sinh viên, và 70 em nhỏ đáng yêu học bán trú. Chúng tôi tiếp đón phụ huynh, đưa các bé vào trường, hoạt náo, nhảy cử điệu khởi động trước mỗi buổi học buổi sáng. Chúng tôi dạy chữ cho các bé Khơ-me nghèo ở các làng vùng dân tộc mỗi buổi chiều. Giữa ngày hè oi ả, chúng tôi trồng cây, nhặt rác dưới kênh mương. Chúng tôi đưa Mình Thánh Chúa tới các nhà ở những nơi xa xôi, gặp gỡ, thăm hỏi và đọc kinh, phụ giúp các người dân nghèo xây dựng nhà cửa, làm giếng nước. Chúng tôi “mạo hiểm bỏ mình” để gần gũi đồng hành với các bạn sinh viên mỗi tối hoặc bất cứ khi nào các bạn cần.
Việc gì khó có Ứng sinh – việc gì không ai nhận, chúng tôi nhận. Thời gian nghỉ của chúng tôi là giờ hồi tâm ngắn, giờ cầu nguyện buổi sáng sớm và Thánh Lễ chiều tối. Chúng tôi nhanh chóng hòa nhập và thích nghi để thực sự sống cùng, ở cùng các cha, ở cùng các thầy, ở cùng các bạn sinh viên và ở cùng các em bé nơi đây. Chúng tôi cảm thấy mình hòa nhập với công việc tông đồ, hòa nhập với những người chúng tôi gặp và trên hết hòa nhập giữa 6 anh em chúng tôi. Tôi học được gì? Phải chăng tôi cứ vùi đầu vào công việc từ sáng đến đêm như vậy? Giữa vô vàn công việc tông đồ, tôi học được bài học về tình anh em, về sự cộng tác bên nhau. Tôi phải thừa nhận rằng các anh em tài năng, xuất sắc. Nhưng chính sự quá xuất sắc lại là một trong những rào cản lớn nhất của chúng tôi. Cái tôi trong mỗi người luôn kiêu hãnh, không dễ gì chịu khuất phục trước một cái tôi khác. Chúng tôi có mâu thuẫn, có xung khắc thậm chí cảm thấy ngột thở vì nhau và với những người mà chúng tôi cộng tác. Nhưng bằng một cách nào đó, và vì một điều gì đó rất thiêng liêng mà chúng tôi bỏ cái tôi lại để tiến bước cùng nhau. Cái tôi cá nhân nay hòa quyện thành cái tôi chung của tất cả. Như tay, chân, mắt, miệng – mỗi bộ phận có chức năng và niềm kiêu hãnh riêng, giờ đây hợp lại thành một thân thể duy nhất trong một Thần Khí duy nhất. Kết quả công việc rất quan trọng nhưng mối tương quan giữa chúng tôi quan trọng hơn. Chúng tôi vui mừng không chỉ chúng tôi đúng cùng nhau nhưng hơn hết, chúng tôi sai cùng nhau, sợ cùng nhau, âu tư và lo lắng cùng nhau và chịu trách nhiệm cùng nhau. Chúng tôi làm việc không chỉ vì công việc, cho người khác mà còn là sống vì nhau, cùng nhau và cùng với Chúa của chúng tôi.
Nơi đây, tôi đã học được những bài học quý giá về tình yêu và cách sống. Tôi học được cách từ bỏ bản thân, bỏ đi cái “chúa” của riêng mình để tìm Chúa nơi anh em, nơi những người xung quanh. Đêm cuối trước khi chia tay các bạn sinh viên, cả nhóm đang sẻ chia những dòng tâm sự, về cuộc đời, về những ngày bên nhau đầy ắp kỷ niệm, thì tôi tuyên bố một lời chắc nịch: “Anh em Ứng sinh về nhà thờ trước 11h30ph đêm”. Nghe lời ấy bầu khí giữa chúng tôi bỗng trở nên thinh lặng. Tất cả mọi người đều đứng lên, lặng lẽ ra về. Tôi tự hỏi tôi có đang làm đúng không? Tôi đang cố bảo vệ luật, nếp sống của mình. Tôi đang cố giữ “chúa” của tôi, tôi đang muốn an toàn. Trong sâu thẳm, tôi cảm giác tôi đang mất Chúa. Tôi luôn tự tin tôi có Chúa nhưng Chúa không còn ở bên tôi lúc này nữa. Chúa hiện diện nơi anh em, nơi những người đang kề cận tôi. Tôi đã dập tắt Thần Khí trong khoảnh khắc đó. Chúng tôi tuy an toàn nhưng an toàn làm sao được khi không còn Chúa nữa. Từ trong sâu thẳm, tôi xin lỗi mọi người rất nhiều.
Tôi cũng muốn nói tôi nhớ mọi người vô cùng. Tôi nhớ nụ cười rạng rỡ của các em khi biết những con chữ đầu tiên, nhớ niềm vui giản dị của các em khi chia nhau chiếc kẹo ngọt, uống chung ngụm nước mát trong. Tôi nhớ những chiều chạy mưa khi đang học dưới tán dừa xanh, nhớ ánh mắt trong veo của em bé Khơ-me đưa tay xin kẹo để dành phần cho các em nhỏ ở nhà. Tôi nhớ những bữa cơm cá đượm tình, nhớ giọt nước mắt rơi, những cái ôm bồi hồi ngày chia tay. Tôi nhớ những tối “Tổ Én” cùng hát cho nhau, nhớ những đêm mọi người chơi ma sói, xem bóng đá, những đêm sum vầy, tâm sự, cầu nguyện, trải lòng cùng nhau. Tôi cảm nắng rất nhiều nhưng tôi cũng nhớ anh em Ứng sinh của tôi rất nhiều. Tôi xin gửi lời lỗi chân thành. Tôi muốn cảm ơn tất cả. Tôi biết ơn tất cả. Nhìn lên Chúa, tôi bỏ lại, nghẹn ngào và bước. Tôi trở về Nhà ứng sinh của tôi.
Tác giả: LXT