Skip to content

Ngày 5: Người tông đồ của Chúa - Giúp đỡ các linh hồn

25/07/2024

Ngày 5.

Dưới cái nhìn tổng quan về linh đạo Dòng Tên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng: Linh đạo I-nhã lấy Thiên Chúa làm khởi nguồn. Thánh I-nhã đã nhìn nhận Thiên Chúa là tình yêu vô tận, là Đấng trọn tốt trọn lành luôn ban phát ơn phúc. Ngài viết: “Tình yêu Thiên Chúa chiếu sáng trên tôi tựa như những tia nắng mặt trời. Tình yêu Thiên Chúa đổ xuống đầy tràn như nguồn mạch trào ra suối nguồn vô tận.” (Linh thao, số 237). Thiên Chúa hành động cá vị với từng người trong chúng ta và ban cho mỗi người một khả năng riêng, các mối tương quan cũng như các nhiệm vụ để hoàn thành. Những điều này được ban cho mỗi người từ tình yêu cá vị của Thiên Chúa và mời gọi ta đáp trả tình yêu ấy cách cá vị.

Vậy, linh đạo của thánh I-nhã là một nền thần nhiệm phục vụ? Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc phục vụ Thiên Chúa, cho dù hướng về Thiên Chúa trong những lời ca tán tụng, hay hướng về con người trong các sứ vụ tông đồ, chẳng phải là cùng đích của mọi đời sống thiêng liêng đó sao? Hai việc không tách rời nhau ; và trong các bài Linh Thao, hai từ ngữ “ca tụng và phục vụ Thiên Chúa, Chúa chúng ta” hầu như gắn liền với nhau, và cả hai đều liên kết với cầu nguyện và hành động. Chính vì thế, người ta nói về thánh I-nhã như là một người “chiêm niệm trong hoạt động”.

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm cách xác định điều mà thánh I-nhã đã hiểu ngang qua động từ “ phục vụ” một cách chính xác hơn, là phục vụ trong Giáo Hội. Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu nói mà thánh I-nhã hay dùng và các tu sĩ Dòng Tên có lý khi lấy làm châm ngôn, vì thánh I-nhã rất hay dùng trong các bản văn : “Cho vinh danh Chúa hơn và mưu ích cho các linh hồn”.

“ Giúp đỡ các linh hồn” như là một đặc nét trong Linh đạo I nhã thánh I-nhã. Đây là điều mà Đấng sáng lập luôn nhắc nhở con cái Dòng Tên khi trở nên nguời tông đồ của Chúa. Từ lúc bình phục ở Loyola, ngài kể lại, “khi có cơ hội nói chuyện với những người trong nhà, I-nhã hoàn toàn chỉ nói những điều về Thiên Chúa, nhờ đó, Ngài giúp ích cho linh hồn họ”(Tự Thuật 11), cho đến quyết định mà nhóm các bạn đã thực hiện ở Paris, trong trường hợp dự định đi Giê-ru-sa-lem của họ không khả thi, họ sẽ đi Roma và trình diện với Vị Đại Diện Đức Kitô để ngài sử dụng họ ở đâu mà ngài xét thấy làm vinh danh Thiên Chúa hơn và mưu ích các linh hồn hơn. (Tự Thuật 85) Vinh quang Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn liên kết với nhau trong cùng một linh đạo, vốn sẽ là linh đạo của Dòng Tên: “luôn luôn tìm kiếm vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa và giúp đỡ lớn hơn dành cho các linh hồn”(Hiến Pháp 605). Chúng ta hãy coi chừng để đừng hiểu cách nói này theo nghĩa phi nhập thể. Giúp đỡ các linh hồn không phải là bỏ qua thân thể. Đó là trọn vẹn con người mà chúng ta được mời gọi giúp đỡ, như Đức Giêsu đã làm, nhưng theo một cách thức, sao cho con người học biết đón nhận mình từ Thiên Chúa, để đến lượt mình, dấn thân cho việc phục vụ Người.

“Giúp đỡ”, chứ không áp đặt hay biến đổi. Đó là sự phục vụ trong tình huynh đệ. Trong thực tế, các bạn đã dấn thân vào những sứ vụ quen thuộc, nhằm phục vụ đức tin và đức ái (thuyết giảng, dạy học, bí tích, chăm sóc bệnh nhân,…). Nhưng trong các sứ vụ này, thánh I-nhã đã ưu tiên cho một sứ vụ, vốn thích hợp với mọi người và chính ngài đã thực hiện trong thời gian ngài là giáo dân: đó là nói chuyện thiêng liêng. Đối với ngài, bất cứ nhiệm vụ nào, thuộc các lãnh vực tông đồ, mục vụ hay xã hội, đều là nơi của một cuộc gặp gỡ với những con người cụ thể và qua đó nói chuyện với họ, qua đó có thể đưa họ đến với Chúa

Khi thánh I-nhã yêu cầu các tu sĩ của mình rèn luyện “nghệ thuật nói chuyện với người khác” (Hiến Pháp 814), ngài không chỉ nghĩ tới những lợi ích của kiến thức thu lượm được hay tính khả ái tự nhiên, nhưng còn nhiều hơn đến sự từ bỏ thái độ tự coi mình là đủ, là thái độ mà người ta có thể có khởi từ kiến thức hay những khả năng đặc biệt. Khi tôi hiện diện trước mặt người khác, thánh Phao-lô sẽ dạy cho chúng ta biết học thức và cả đức tin của chúng ta nữa quan trọng như thế nào: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13.2)

Yêu mến, chính là đi đến với người khác, đó là người anh em (hay chị em) của tôi, với đôi bàn tay không, sẵn sàng tiếp nhận người ấy, dù người ấy làm gì hay nói gì, như ơn huệ của Thiên Chúa. Chỉ khi đó, tôi mới có khả năng giúp đỡ người ấy.

Lạy Chúa, Chúa đã khơi lên trong lòng Thánh I Nhã khao khát trở thành nguời Tông đồ quảng đại, đó là tìm cách chỉ để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Xin cho chúng con cũng mang lấy cùng một khao khát ấy, mà trở thành nguời Tông đồ như lòng Chúa mong ước, là mang lấy trái tim của Chúa để phục vụ cho vinh quang nước Chúa và anh chị em mình. Amen.