Skip to content

Ngày 3: Học tập - phương tiện phục vụ tha nhân

23/07/2024

Ngày 3.

Người ấy tên gọi là I-nhã hay I-nhi-gô. Người đến từ Tây Ban Nha, từ lâu đài Loyola, nơi chôn nhau cắt rốn ở miền Basque. Người ấy đã chiến đấu và bị thương ở chân. Trong thời gian tĩnh dưỡng người ấy đã hồi tâm suy nghĩ, đã đọc sách về cuộc đời của các vị thánh, bởi không tìm được sách khác, và đã bị đánh động, người ấy đã trở lại với Chúa Giêsu Kitô, đã say yêu Ngài, đã tìm Ngài trong kinh nguyện khi sống ẩn dật một năm ở Manrêsa, gần Montserrat (Mon sê rát). Để được gần Chúa Giêsu hơn và đặt chân vào lối bước của Ngài, I-nhã bắt đầu cuộc hành hương đến Đất Thánh và muốn ở lại Giêrusalem để trợ giúp các linh hồn, nhưng ngài bị giới hữu trách bắt buộc phải rời Đất Thánh. Ngài trở về Tây Ban Nha, và tự hỏi mình: “quid agendum?” (phải làm gì?) (Tự thuật, 50).

Không biết phải làm gì, thánh I-nhã để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt từng bước. Về đến Barcelona, ngài gặp lại những người bạn đã quen hơn một tháng trước. Dự tính học hành thêm để có thể làm việc tông đồ tốt hơn của ngài được họ ủng hộ. Sống nghèo, dành nhiều thời giờ để cầu nguyện, và học thêm: thật không phải là điều dễ dàng. Ðôi khi ngài phải hy sinh giờ cầu nguyện và việc tông đồ để việc học hành đạt kết quả. Sau hai năm cố gắng, ngài nghe lời khuyên của thầy giáo và các bạn đến Alcalá học triết lý.

Alcalá cho ngài thấy rõ hơn: muốn giúp đỡ các linh hồn, phải tìm những người cùng chí hướng để hoạt động tông đồ được mở rộng hơn và hữu hiệu hơn. Lúc ở Barcelona, đã có ba thanh niên muốn bắt chước cách sống của ngài. Tại Alcalá (an ca la), có thêm người thứ tư. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, nhóm của ngài đã làm cho giáo quyền phải bận tâm: ngài và các bạn bị cấm dạy giáo lý và mặc đồng phục. Không được phép giúp đỡ các linh hồn ở Alcalá nữa, ngài và các bạn đến Salamanca. Chẳng bao lâu sau, chưa kịp học hành gì, ngài bị Tòa Án Giáo Lý ở Salamanca bắt giam rồi cấm giải thích cho người khác khi nào là tội trọng, khi nào là tội nhẹ, nếu chưa học xong bốn năm thần học. Kiên quyết phải học để có thể giúp đỡ các linh hồn hơn, năm 1528, ngài đi Paris để chuyên tâm học hành.

Năm 1529, vì ở nhà trọ gặp khó khăn cho việc học, nên ngài xin vào nội trú tại học viện Sainte-Barbe (Xan báp). Ngài ở chung phòng với hai thanh niên khác là Phêrô Favre và Phanxicô Xavier. Ngài đã quyết định không làm việc tông đồ, cũng không đi tìm bạn cùng chí hướng, để chuyên tâm học tập. Nhưng chẳng bao lâu sau, lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xavier muốn chia sẻ hướng tông đồ với ngài. Sau đó đến bốn sinh viên khác nữa. Linh Thao giúp các bạn vừa gắn bó với Chúa Giêsu, vừa gắn bó với thánh I-nhã, vừa gắn bó với nhau. Mỗi Chúa nhật, thánh I-nhã và các bạn đến đan viện Notre-Dame de Vauvert (nâu tre đon đờ vâu vờ) để dự lễ và chia sẻ với nhau về lý tưởng tông đồ. Ngày 15.8.1534, nhóm bạn bảy người cùng nhau tuyên khấn sống thanh bần, đi hành hương Giêrusalem và làm việc tông đồ. Thánh I-nhã gọi đó là những người bạn trong Chúa. Một quyết định gần như đồng thời: thánh I-nhã và các bạn sẽ làm linh mục để giúp đỡ các linh hồn hơn. Năm 1535, theo lời khuyên của bác sĩ, thánh I-nhã về quê chữa bệnh, các bạn ở lại cứ tiếp tục học, và hẹn sẽ gặp lại nhau để cùng đi hành hương Giêrusalem. Ðầu năm 1537, thánh I-nhã gặp lại các bạn tại Venezia (Vơ ni dơ). Lúc này nhóm bạn đã có tất cả 11 người: nhóm Paris thu nhận thêm 3 bạn và thánh I-nhã thu nhận thêm 1 bạn. Trong khi chờ tàu đi Giêrusalem, các bạn chia nhau đi hoạt động tông đồ tại miền bắc nước Ý. Lúc ấy Venezia và Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiến tranh, nên cơ may đi Giêrusalem thật mong manh. Tháng 3 năm 1537, một mình thánh I-nhã ở lại Venezia, trong khi các bạn đi Rôma xin phép lành Ðức Giáo Hoàng trước khi đi hành hương. Ðức Thánh Cha Phaolô III chẳng những cho phép và chúc lành cho chuyến hành hương, mà còn cho tiền lộ phí và cho phép tất cả các bạn chịu chức linh mục. Thánh I-nhã và 5 bạn khác thụ phong linh mục vào tháng 6. (Các bạn khác hoặc đã thụ phong rồi, hoặc phải chờ khi đủ tuổi). Ðể chuẩn bị dâng lễ mở tay, tất cả dành ra một thời gian để cầu nguyện. Sau đó, tất cả họp nhau tại Vicenza, đồng ý đặt tên cho nhóm là Ðoàn Giêsu, vì chỉ một mình Chúa Giêsu là đầu và là trưởng. Ðến đây, mọi dự tính của thánh I-nhã khi ở Giêrusalem về đều đã được thực hiện: học hành đầy đủ, một nhóm bạn cùng chí hướng và chức thánh linh mục.

Nhìn lại, ta ngỡ ngàng khi thấy I-nhã đi học ở tuổi 33, can đảm ngồi học chung với những chú nhỏ! Trong thời gian học ở Alcala và Salamanca, I-nhã lo dạy giáo lý và giảng Linh thao hơn là lo học. Chính vì thế, ngài gặp rắc rối với giáo quyền, và việc học chẳng tiến bộ mấy. Cuối cùng, I-nhã quyết định học tập nghiêm túc, kiếm tiền trợ cấp vào mùa hè để khỏi phải đi ăn xin. Đến năm 44 tuổi, I-nhã mới tốt nghiệp Đại học. Với mảnh bằng, ngài không còn bị làm khó dễ như xưa. Mảnh bằng là giấy phép để tôi làm việc. Kiến thức là chiếc cầu để tôi gặp gỡ tha nhân.

Như vậy, việc tông đồ là lý do khiến ngài đi học trở lại, bằng cấp chỉ là phương tiện để phục vụ. Mang dòng máu hiệp sĩ tài giỏi đầy nhiệt huyết, nhưng Chúa đã biến đổi trái tim ngài trở nên mềm mại, sống khiêm nhường và từ bỏ ý riêng. Ngài học không phải để hơn thua với người đời, nhưng để phụng sự Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Chỉ khi ta nhìn nhận việc học với góc nhìn giống như Thánh I-nhã, ta mới cảm nhận được niềm vui sâu xa và lâu dài nơi những công việc mà ta đang làm. Bạn cũng vậy, hãy biến bàn học thành bàn thờ, dâng của lễ hy sinh.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết quý việc học, để qua việc học và ngay trong chính việc học của mình, con tìm thấy Chúa, cùng tìm thấy phương tiện để giúp đỡ tha nhân. Amen.