Tôi không còn nhớ chính xác ai đã dạy cho mình đọc kinh Lạy Cha, nhưng tôi nhớ rõ rằng cậu tôi – một thanh niên vô thần – là người đầu tiên muốn tôi đọc lời kinh Chúa dạy cho cậu nghe. Trước một giờ cơm trưa nhiều năm về trước, khi tôi đang ngồi chơi trên giường của ông ngoại, cậu tiến đến gần hỏi han và bảo tôi đọc kinh cho cậu nghe. Lúc đó tôi còn đang là một học sinh mầm non, lời kinh duy nhất mà tôi biết là kinh Lạy Cha. Tâm trí non nớt ngày trước của tôi chưa hiểu được ý nghĩa của giây phút này. Giờ đây khi nhìn lại, tôi nhận ra hai điều mà Chúa muốn gửi gắm tôi ngang qua khoảnh khắc ấy: Chúa là người Cha nhân hậu của tất cả mọi người và tôn giáo không nên là lý do gây ra sự chia rẽ.
Ngoại trừ mẹ tôi đã được rửa tội trước khi kết hôn với bố tôi, gia đình bên ngoại của tôi không ai tin vào Chúa. Trong khi đó, gia đình bên nội của tôi đã có truyền thống đức tin từ lâu đời. Lúc còn nhỏ, tôi chưa để ý đến khác biệt này giữa hai bên gia đình. Khi cậu bảo tôi đọc kinh cho cậu nghe, tôi đã chia sẻ lời kinh Chúa dạy với cậu một cách chân tình. Tôi nhớ rằng cậu đã im lặng lắng nghe một cách chăm chú. “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Tôi đã đọc “Lạy Cha chúng con” chứ không phải “Lạy Cha của riêng người Công Giáo chúng con.” Tôi cảm nhận rõ hơn rằng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, của tôi, của cậu tôi, của tất cả những ai đã nhận biết Ngài và cả những người chưa nhận biết. Nhìn vào gia đình nội ngoại hai bên của tôi, tôi thấy Chúa không thiên vị bên nào. Dù cuộc sống luôn có những khó khăn, những sóng gió, tôi vẫn cảm nhận được sự chăm sóc và yêu thương của Ngài dành cho cả hai bên. Thiên Chúa quả thực là “Cha của chúng con.”
Đa số anh chị em và họ hàng phía mẹ tôi là đảng viên. Nhiều thành viên trong gia đình phía cha tôi phục vụ giáo xứ lâu năm và là những tín hữu sốt sắng. Tôi được nuôi dạy và dưỡng dục bởi cả hai bên. Khi cha mẹ bận làm việc, có hôm tôi được gửi cho ông bà ngoại chăm, hôm khác tôi lại được giao phó cho ông bà nội. Tôi lớn lên với tình yêu thương từ đại gia đình của mình, dù cách diễn tả của mỗi bên mỗi khác. Hai phía gia đình của tôi cũng hỏi thăm qua lại đều đặn, duy trì một mối tương quan gần gũi và tốt đẹp. Đó là bức tranh phía bên trong ngôi nhà của tôi. Phía bên ngoài, mọi sự không tốt đẹp như vậy. Sự việc tranh chấp đất đai tại Hà Nội năm 2008; nhiều mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo quyền tại giáo phận Vinh; sự cố môi trường Formosa dẫn đến biểu tình ở các giáo xứ miền Trung, tất cả làm nên một cảnh tranh tối tranh sáng trong mối quan hệ giữa người Công Giáo và người không phải Công Giáo. Những chia rẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít người lương dân có cái nhìn không mấy thiện cảm với người có đạo, chính quyền đôi khi dùng đến vũ lực để giải tán các buổi biểu tình. Từ kinh nghiệm được nuôi dưỡng và yêu thương bởi cả những người lương dân lẫn những người có đạo, tôi cảm nhận rằng sâu thẳm trong tim ai cũng mong muốn hướng thiện, muốn cống hiến cho người khác và khiến xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ không ai muốn tạo ra mâu thuẫn hay xung đột trong cuộc sống với người khác. Đức tin nên là thứ để gắn kết mọi người thay vì gây ra bất bình, chia rẽ.
Lúc cậu hỏi tôi về kinh Lạy Cha, cậu đang học là một học sinh trung học phổ thông. Lên đại học, cậu chọn học ngành về chính trị. Sau khi ra trường, cậu công tác trong các cơ quan nhà nước. Cậu cống hiến năng lực của mình cho người dân, cho đất nước, và cậu vẫn yêu thương, gần gũi với tôi. Tôi tin rằng Chúa của tôi cũng là Chúa của cậu, Chúa yêu tôi cũng ngang bằng như Chúa yêu cậu. Dù rằng có niềm tin, lý tưởng khác nhau, tôi và cậu vẫn có thể dùng sức mình để góp phần giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, tôi sẽ cầu nguyện cho cậu, cho gia đình bên ngoại, và mong ước một ngày tất cả sẽ quy tụ cùng người Cha chung trên trời!
“Khi đọc “Lạy Cha chúng con”, lòng chúng ta được mở rộng theo tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Kitô : cầu nguyện với và cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa, để họ “được quy tụ về một mối”1
“Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ và chống đối”2
Tác giả: JB Phan Hoàng