Tài năng và những giới hạn
Một khía cạnh rất thú vị về thánh Phanxico Xavie mà ít khi ta có dịp nghe biết về Ngài đó là những tài năng Thiên Chúa ban cho thánh nhân. Năm lên 19 tuổi, Phanxicô được gửi đến Paris học tại học viện Sainte – Barbe thuộc đại học Paris. Sau khi tốt nghiệp văn chương và triết học, Phanxicô được bổ nhiệm làm giáo sư triết học tại đại học Paris. Vị giáo sư trẻ Phanxicô sớm nổi tiếng và được ca tụng trong giới sinh viên đại học thời bấy giờ. Những tưởng ngài sẽ tiến sâu trong sự nghiệp giáo dục thì Ngài đã từ bỏ mọi sự , có lẽ ngài cũng được đánh động bởi câu lời Chúa “ Nếu được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?”. Ngày 15.8.1534 ngài đã cùng với Thánh I-nhã và những người bạn đường đầu tiên cam kết sống chung với nhau trong một cộng đoàn, khấn khó nghèo, làm việc tông đồ và đi hành hương Đất Thánh. Từ đây mọi khả năng và kiến thức của ngài không phải dành cho sự nghiệp thăng quan tiến chức nữa nhưng là dành trọn cho công cuộc truyền giáo , đem Chúa đến cho vùng Viễn Đông với mục đích duy nhất “ Cho vinh danh cho hơn và mưu ích cho các linh hồn ”. Công cuộc truyền giáo của Ngài giống như cuộc phiêu lưu khám phá và chinh phục những vùng đất mới để dâng về cho Thiên Chúa. Năm 35 tuổi, Ngài bắt đầu hành trình phiêu lưu này. Trong hành trình truyền giáo của mình, Ngài đã đi qua nhiều vùng đất ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, và thậm chí hướng tới Trung Quốc, nơi có những rào cản ngôn ngữ và văn hóa rất lớn. Dù không phải là một chuyên gia ngôn ngữ ngay từ đầu, Thánh Phanxicô đã nỗ lực học các ngôn ngữ địa phương để giao tiếp và loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả. Ngài bắt đầu bằng việc học tiếng nói bản địa của vùng Ấn Độ, sau đó tiếp tục với tiếng Nhật khi đặt chân đến Nhật Bản. Với sự kiên trì và lòng yêu thương đối với những người mà Ngài phục vụ, Thánh nhân đã vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ để mang thông điệp của Chúa đến với mọi người. Và Ngài luôn biết cách thích nghi với hoàn cảnh mới và tìm ra những phương pháp truyền giáo phù hợp với từng nền văn hóa.Ví dụ, khi đến Nhật Bản, Ngài chọn cách tiếp cận những người lãnh đạo và trí thức trước, vì nhận thức rằng họ có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng. Ngài cũng đã cố gắng dịch Kinh Tin Kính và Kinh Mười Điều Răn để giúp các tín hữu của Ngài có thể thể dễ dàng đón nhận giáo lí và giữ đạo tốt hơn. Tuy nhiên, một con người tài năng như thế nhưng ngài cũng mang những hạn chế của thời đại mình. Một trong những hạn chế đáng bàn nhất là quan niệm về tôn giáo, đặc biệt là đối với những người không cùng tôn giáo. Thánh Phanxicô Xaviê, giống như nhiều nhà truyền giáo Công giáo cùng thời, hoạt động với niềm tin rằng chỉ trong Hội Thánh là con đường duy nhất dẫn đến ơn cứu độ. Niềm tin này khiến Ngài thường đánh giá thấp các tôn giáo địa phương, coi đó là những hệ thống niềm tin lạc hậu hoặc sai lầm cần được thay thế. Trên hành trình truyền giáo, thánh Phanxico Xavier gặp ba tôn giáo lớn đã ăn sâu vào văn hóa Châu Á: Ấn giáo ở Ấn Độ, Hồi Giáo ở Maluku và Phật giáo ở Nhật Bản. Thực lòng mà nói, Ngài đã không hiểu biết về các tôn giáo ấy. Quan niệm bên ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ đưa Ngài đến thái độ dứt khoát ngay từ đầu: các tôn giáo khác là trò của ma quỉ, các vị lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo khác là trò của ma quỉ, quần chúng tín đồ là nạn nhân của ma quỉ cần được giải thoát. Ngày nay, chúng ta hiểu được là trong các nền văn hóa và các tôn giáo, Thiên Chúa đã gieo sẵn những hạt giống Tin Mừng để chuẩn bị các văn hóa và các tôn giáo ấy đón nhận Đức Ki-tô. Từ thánh Phanxico Xavier qua Ricci, Nobili và Đắc Lộ đến Teihard de Chardin, dần dần chính các Giêsu hữu khám phá ra gia sản phong phú Thiên Chúa đã ban cho Dòng Tên và Hội Thánh qua Linh Thao của thánh I-Nhã.
Phản tỉnh :
Một ngọn lửa đã bùng cháy nơi con người nhỏ bé Phanxico Xavie, ngọn lửa ấy chính là ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa của sự dấn thân mà chính thầy Giêsu năm xưa đã ước ao cho được cháy bừng lên “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và thầy những ước mong lửa ấy cháy bùng lên” (Lc 12, 49-50). Mang nơi mình ngọn lửa truyền giáo, thánh nhân đã đốt cháy mọi bước đường người đặt chân đến, bằng một tinh thần hy sinh không biết mệt mỏi. Còn sống là Người còn đi, còn sức lực là Người còn dấn thân, cho đến khi Danh Chúa được loan báo khắp hoàn cầu. Thánh Phanxicô Xaviê là mẫu gương thánh thiện, đã khơi dậy nơi tôi lòng nhiệt thành chuẩn bị cho ơn gọi và sứ mạng tu sĩ Dòng Tên. Cuộc đời ngài chính là minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa vượt qua mọi giới hạn về địa lý, ngôn ngữ và văn hóa. Noi gương ngài, tôi – một ứng sinh Dòng Tên cũng được mời gọi sống đời cầu nguyện sâu sắc và thiết thân với Đức Kitô mỗi ngày, trong sứ mạng học tập, cầu nguyện và đời sống cộng đoàn. Đồng thời tôi cũng dâng lên Chúa những yếu đuối, và cộng tác với ân sủng của Người trong tiến trình đào luyện, để từ đó tôi trở thành khí cụ hữu hiệu của Người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.